THÔNG TIN HỌC THUẬT
Triết lý đào tạo ngành Thú y – Trường Đại học Cần Thơ
Khoa Thú y (Faculty of Veterinary Medicine – FVM), Trường Nông nghiệp (College of Agriculture – CoA), Trường Đại học Cần Thơ (Can Tho University – CTU) đóng vai trò quan trọng trong đào tạo các bác sĩ thú y, có khả năng đáp ứng yêu cầu xã hội liên quan đến chăn nuôi và thú y cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Việt Nam. Những yêu cầu trong đào tạo ngành Thú y không chỉ bao gồm chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các bệnh thú y; mà còn mở rộng đến việc đảm bảo cung cấp an toàn các sản phẩm động vật, đóng góp vào phát triển chế phẩm thú y, bảo vệ và quản lý động vật hoang dã và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Đào tạo ngành Thú y trường Đại học Cần Thơ đặt ra yêu cầu cho người học hiểu biết toàn diện về cả văn hóa, khoa học xã hội, cũng như khoa học tự nhiên. Quan trọng là khuyến khích phát triển tư duy khoa học, sự đánh giá đúng đắn và mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Đây là những kỹ năng quan trọng trong giải quyết các vấn đề của khu vực, Việt Nam và toàn cầu liên quan đến sức khỏe động vật và con người. Ngoài ra, sinh viên được khuyến khích tôn trọng tính nhân văn và giá trị đạo đức cao, đó là những phẩm chất thiết yếu đối với bác sĩ thú y và nhà nghiên cứu, đóng vai trò trung tâm trong việc bảo vệ sức khỏe động vật và con người.
Mục tiêu đào tạo
Ngành Thú y Trường Đại học Cần Thơ cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về thú y và sức khỏe động vật với mục tiêu nuôi dưỡng các thế hệ bác sĩ thú y mới, được đánh giá toàn diện, tư tưởng đạo đức vững vàng và tầm nhìn toàn cầu. Ngoài ra, chương trình cũng đặt ra mục tiêu đào tạo các các bác sĩ thú y và nhà nghiên cứu có khả năng tiên phong trong lĩnh vực thú y trong nước và quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe động vật, cải thiện sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an toàn thực phẩm và thúc đẩy các khoa học về đời sống. Do đó, Khoa Thú y đặt ra mục tiêu đào tạo như sau:
- Đào tạo và giáo dục sinh viên có đủ sức khỏe, phẩm chất đạo đức, chính trị và năng lực chuyên môn để làm việc và quản lý tại các Cơ quan nhà nước, Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Cao đẳng, các đơn vị sản xuất và kinh doanh thức ăn động vật và thuốc thú y nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật ngành Thú y.
- Đào tạo và giáo dục sinh viên có khả năng tiếp cận thực tiễn, vận dụng hiệu quả và sáng tạo kiến thức được đào tạo và các thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong Chăn nuôi, Thú y để phát hiện và giải quyết các vấn đề thú y và chăn nuôi phát sinh trong thực tế sản xuất, quản lý phòng chống dịch bệnh.
- Đào tạo và giáo dục sinh viên hình thành phương pháp làm việc khoa học, tư duy hệ thống và tư duy phân tích, khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và làm việc hiệu quả theo nhóm, hội nhập được trong môi trường trong và ngoài nước.
- Đào tạo và giáo dục sinh viên hình thành năng lực tự học, tự cập nhật kiến thức và tự nghiên cứu khoa học, ứng dụng những kiến thức và kỹ thuật để tiếp tục học ở bậc cao hơn.
Kế hoạch học tập
- Năm thứ nhất: Sinh viên học tại các khoa, viện thuộc Trường Đại học Cần Thơ, được cung cấp kiến thức cơ bản và đa dạng trong nhóm học phần đại cương, bao gồm các học phần về khoa học xã hội và tự nhiên, các học phần tiếng Anh cơ bản và giáo dục quốc phòng và an ninh. Sinh viên được bố trí tham gia tích cực vào các học phần này để hoàn thiện kiến thức của bản thân.
- Năm thứ hai: Ngoài các học phần kiến thức đại cương, sinh viên sẽ bắt đầu với các học phần cơ sở ngành trong khuôn viên Nông nghiệp. Trong thời gian này, sinh viên tham gia các học phần và thực hành trong nhiều lĩnh vực cơ bản của thú y như giải phẫu, sinh lý, sinh hóa, di truyền học, vi sinh học thú y, v.v. để hiểu biết về cấu trúc, chức năng và sinh lý của động vật và những kiến thức này là cơ sở phát triển kiến thức chuyên ngành.
- Năm thứ ba: Sinh viên học chuyên sâu về các tác nhân gây bệnh động vật và cơ sở về chẩn đoán và phòng chống/điều trị các bệnh truyền nhiễm thông qua các học phần và thực hành về vi rút học, vi trùng học, ký sinh trùng học, dịch tễ học, bệnh lý học và động vật hoang dã.
- Năm thứ tư: Sinh viên tiếp tục tham gia các học phần chuyên sâu và thực hành về thú y ứng dụng và nhân y, ví dụ như y tế công cộng, độc tố học, vệ sinh thực phẩm, dịch tễ học và bệnh truyền từ động vật sang người, cũng như các môn học liên quan đến ngành chăn nuôi và thủy sản. Bắt đầu từ năm này, sinh viên có thể lựa chọn và tham gia các phòng thí nghiệm nghiên cứu dựa trên sở thích và/hoặc kế hoạch công việc trong tương lai.
- Năm thứ năm: Đa số sinh viên trong năm này dành phần lớn thời gian cho hoạt động nghiên cứu để hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên tích cực tìm việc làm, chuẩn bị bậc học thạc sĩ, tiến sĩ thú y, hoặc rèn luyện tiếng Anh và các kỹ năng để nâng cao năng lực làm việc trong tương lai.
Sơ đồ chương trình học ngành Thú y – CTU