CTU          English

1. Quá trình xây dựng và phát triển 

Lịch sử hình thành và phát triển của Trường Nông nghiệp gắn liền với những thay đổi của Trường Đại học Cần Thơ qua các thời kỳ. Vào năm 1968, cơ sở tiền thân của Trường Nông nghiệp ngày nay là Trường Cao đẳng Nông nghiệp thuộc Viện Đại học Cần Thơ được thành lập. Tính tới năm 1975, Trường đã chiêu sinh 7 khóa, đào tạo được hơn 200 kỹ sư nông nghiệp.

Sau năm 1975, Trường Cao đẳng Nông nghiệp được đổi tên thành Khoa Nông nghiệp, Khoa chịu trách nhiệm đào tạo hai ngành là Trồng trọt và Chăn nuôi. Những năm sau đó, để đáp ứng thực tiễn sản xuất ngày càng đa dạng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Nam bộ, Khoa Nông nghiệp đảm nhận đào tạo thêm các ngành mới gồm Thủy nông và cải tạo đất (1978), Cơ khí nông nghiệp (1978), Chế biến và bảo quản nông sản (1978), Kinh tế nông nghiệp (1979) và Thủy sản (1979).

Năm 1996, cùng với việc sắp xếp lại mạng lưới đại học trong cả nước, Khoa Nông nghiệp được xác lập trở lại trên cơ sở sát nhập các Khoa Trồng trọt, Chăn nuôi – Thú y, Thủy sản và Chế biến. Sự hợp nhất này giúp củng cố và phát huy sức mạnh liên ngành thông qua các mối liên kết trong đào tạo cũng như trong nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất. Từ năm 2002, do sự phát triển mạnh của ngành Thủy sản, Khoa Thủy sản được thành lập trở lại và tách ra khỏi Khoa Nông nghiệp.

Suốt chặng đường xây dựng và phát triển, vai trò về đào tạo nguồn lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với đồng ruộng, nhà máy và bà con nông dân ngành nông nghiệp, Trường đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý, nổi bật nhất là tập thể Trường Nông nghiệp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới giai đoạn 1989-1999.

2. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học

Trường Nông nghiệp có nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trường còn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ thực tiễn sản xuất, góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Trường Nông nghiệp hiện quản lý tổng cộng 14 ngành và chuyên ngành đào tạo bậc đại học (trong đó có 01 chương trình chất lượng cao) với tổng số là 5.282 sinh viên (6/2021). Ở bậc sau đại học, Khoa đào tạo 9 chương trình thạc sĩ (1 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh) và 6 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với số lượng 270 học viên và 83 nghiên cứu sinh (6/2021).

Trường Nông nghiệp cũng là đơn vị có nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước để phát triển và thử nghiệm các giải pháp và sản phẩm phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL. Hàng năm, Trường Nông nghiệp đảm nhận thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp,... Từ những kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học, Trường Nông nghiệp có ưu thế về hợp tác và phát triển các nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực với các thế mạnh về quản lý dịch hại cây trồng, cải tạo và sử dụng đất bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những đột phá về phát triển kỹ thuật canh tác và kinh tế vườn, nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, phát triển các kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm môi trường và các bệnh liên quan đến sức khỏe con người từ động vật, phát triển công nghệ chế biến và bảo quản nông sản đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Hoạt động nghiên cứu khoa học hiệu quả và có định hướng đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng gắn liền với thực tiễn và áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, Trường cũng là một trong những đơn vị công bố nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong và ngoài nước với 1.650 bài được đăng trong giai đoạn 2015-2020, trong đó có 478 bài được xuất bản bằng tiếng Anh.

3. Các hoạt động hợp tác

Trường Nông nghiệp cũng là đơn vị có nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước để phát triển và thử nghiệm các giải pháp và sản phẩm phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL.

Các hoạt động này đã hỗ trợ gắn kết các nội dung giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao các quy trình, sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm đã hợp tác với Tập đoàn Takesho Food & Ingredients, Nhật Bản nghiên cứu về công nghệ ép đùn; Lĩnh vực Khoa học Đất hợp tác với các tập đoàn, công ty phân bón như Sirius Minerals (Vương quốc Anh), Uralchem (Nga), Danlian (Đài Loan), Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, ... nghiên cứu về sử dụng phân bón cho các đối tượng cây trồng và các nhóm đất chuyên biệt. Lĩnh vực Chăn nuôi-Thú ý hợp tác với công ty De Heus (Hà Lan), CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ), Greenfeed Việt Nam, Vemedim nghiên cứu sử dụng thức ăn và thuốc trị bệnh cho vật nuôi. Ngoài ra, còn phải kể đến sự hợp tác rất chặt chẽ giữa Khoa với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp để thúc đẩy và mang lại lợi ích trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của các bên tham gia.

Sự lớn mạnh cũng như những thành tựu về đào tạo nguồn nhân lực và trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất trong lĩnh vực Nông nghiệp của Trường ĐHCT cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện qua vị trí xếp hạng 251-300 trên thế giới ở lĩnh vực Nông nghiệp-Lâm nghiệp theo QS năm 2020. Hiện tại, với nguồn nhân lực mạnh mẽ gồm 6 Giáo sư, 32 phó Giáo sư, 54 Tiến sỹ trong số 115 cán bộ trực tiếp giảng dạy sẽ là đội ngũ cốt lõi cho việc thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

4. Cơ sở vật chất

Phòng thí nghiệm: Từ năm 1996, với sự tài trợ của chính phủ Nhật Bản, tòa nhà Trường Nông nghiệp được xây dựng và đưa vào sử dụng trong khuôn viên 2,7 ha. Trường được tiếp nhận các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu từ dự án JICA của Chính phủ Nhật Bản, Dự án Giáo dục Đại học giai đoạn II của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Dự án hợp tác với các Trường Đại học Vương quốc Bỉ thông qua tổ chức VLIR. Đến năm 2020, Trường Nông nghiệp có 41 phòng thí nghiệm 01 khu vực nhà lưới, nhà màng thực nghiệm (6.222 m2), 01 trại thực nghiệm (2,43 ha), 02 xưởng thực nghiệm và 01 Phòng thí nghiệm bệnh xá thú y thực hành.

Từ Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ (Dự án ODA), Trường Nông nghiệp được nâng cấp và đầu tư thêm 38 phòng thí nghiệm và dự kiến đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022). Ngoài ra, Trường cũng được đầu tư khu nhà lưới (3.804 m2) trong đó có 6 nhà để trồng lúa, trồng rau màu trên giá thể nhỏ giọt, trồng cây ngắn ngày, trồng cây thủy canh, trồng hoa trên chậu giá thể và trồng các loại rau, củ, quả khác. Những phòng thí nghiệm và khu nhà lưới này được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho giảng dạy, thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu và các đề tài hợp tác trong và ngoài nước.

Thư viện, tài liệu học tập và nghiên cứu: Bên cạnh Trung tâm học liệu của Trường Đại học Cần Thơ, Trường Nông nghiệp cũng đang quản lý 01 thư viện chuyên ngành với sức chứa 150 chỗ, với 5.748 đầu sách/16.488 quyển, 13.575 luận văn đại học, 2.024 luận văn/luận án sau đại học và 6.322 quyển tạp chí/chuyên đề. Ngoài ra, Trường cũng được trang bị 01 Hội trường và 01 phòng họp. Tất cả các cơ sở vật chất trong Trường đã và đang hoạt động hiệu quả nhằm phục vụ tốt cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Khoa.

 
TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP - ĐẠI HỌC CẦN THƠ
- Địa chỉ: Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 0292 3831166 - 0292 3830985
Email: tnn@ctu.edu.vn;   Facebook
        College of Agriculture, Can Tho University 
          Campus II, 3/2 street, Ninh Kieu district, Can Tho city, Viet Nam 
          Email: tnn@ctu.edu.vn; Tel: +84 292 3831166; Tel: +84 292 3830814
Email: tnn@ctu.edu.vn;   Facebook