Trường Nông nghiệp là đơn vị có nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước để phát triển và thử nghiệm các giải pháp và sản phẩm phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL. Các hoạt động này đã hỗ trợ gắn kết các nội dung giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao các quy trình, sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm đã hợp tác với Tập đoàn Takesho Food & Ingredients, Nhật Bản nghiên cứu về công nghệ ép đùn; Lĩnh vực Khoa học Đất hợp tác với các tập đoàn, công ty phân bón như Sirius Minerals (Vương quốc Anh), Uralchem (Nga), Danlian (Đài Loan), Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, ... nghiên cứu về sử dụng phân bón cho các đối tượng cây trồng và các nhóm đất chuyên biệt. Lĩnh vực Chăn nuôi-Thú ý hợp tác với công ty De Heus (Hà Lan), CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ), Greenfeed Việt Nam, Vemedim nghiên cứu sử dụng thức ăn và thuốc trị bệnh cho vật nuôi. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự hợp tác rất chặt chẽ giữa Trường với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp để thúc đẩy và mang lại lợi ích trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của các bên tham gia.
Trường Nông nghiệp cũng là một trong những đơn vị đi đầu của Trường Đại học Cần Thơ trong hoạt động công bố và phổ biến các kết quả của các công trình nghiên cứu đến cộng đồng khoa học và doanh nghiệp . Hàng năm có rất nhiều bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước. Ngoài ra, cán bộ của Trường cũng rất tích cực tham gia các buổi hội thảo nhằm trao đổi thông tin khoa học lẫn nhau và có rất nhiều bài viết đăng trong kỷ yếu của các hội thảo trong nước và quốc tế.
Trong giai đoạn sắp tới, những định hướng trọng tâm trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Nông nghiệp tập trung vào những lĩnh vực sau: (1) Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp đô thị và cận đô thị; (2) Nâng cao giá trị nông súc sản; (3) Bảo tồn và khai thác nguồn gen cây trồng và vật nuôi bản địa (4) Nghiên cứu về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, đề kháng kháng sinh và vệ sinh thú y sản phẩm động vật; (5) Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục đóng góp cho sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp và đời sống-kinh tế xã hội vùng ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung.
- Đề tài NCKH cấp Trường từ 2011 đến nay: 79 đề tài
- Đề tài NCKH cấp Bộ từ 2011 đến nay: 27 đề tài
- Đề tài hợp tác địa phương từ 2011 đến nay: 82 đề tài
- Đề tài cấp Quận/Huyện từ 2011 đến nay: 10 đề tài