CTU          English

HỘI THẢO “CÂY KIỂNG LÁ VÀ ỨNG DỤNG VÀO CÔNG TRÌNH CẢNH QUAN SÂN VƯỜN”

Nhằm định hướng và phát triển sân chơi cũng như tạo thú vui tiêu khiển "Cây Kiểng lá”, hướng đến xây dựng chuỗi ngành hàng Cây Kiểng lá bền vững tại ĐBSCL. Vào lúc 14h ngày 24/11, CLB Cây Kiểng Cần Thơ đã phối hợp cùng CLB Nghệ Thuật Hoa viên dưới sự hỗ trợ của Hội SVC TP Cần Thơ cùng Khoa Sinh lý- Sinh hoá, Trường Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức Trưng bày cây Kiểng lá và Hội thảo với chuyên đề: “Cây Kiểng lá và Ứng dụng vào công trình Cảnh quan Sân vườn".

Hội thảo có sự góp mặt của Ông Nguyễn Thành Hừng GĐ Trung Tâm Dịch vụ, Sở NN&PTNT CT; Ths. Phạm Thị Minh Hiếu Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt & BVTV, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ. Về phía Liên Hiệp các hội KH & KT TP Cần Thơ có Ths. Nguyễn Thị Kiều - Phó Chủ tịch Liên Hiệp các hội KH & KT TP Cần Thơ.

Về phía Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ có sự tham dự của PGS.TS. Lê Văn Vàng - Hiệu Trưởng Trường Nông nghiệp; GS.TS. Lê Văn Hoà - Nguyên Hiệu Trưởng Trường Nông nghiệp, Uỷ viên Thường vụ Hội SVC Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội SVC TP Cần Thơ; GS.TS. Lê Vĩnh Thúc - Trưởng Khoa Khoa học cây trồng, Trường Nông nghiệp; PGS.TS. Phạm phước Nhẫn - Trưởng Khoa Sinh lý - Sinh hóa, Trường Nông nghiệp; ThS. Mai Văn Trầm – Giảng viên Khoa Sinh lý – sinh hóa, Trường Nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hội SVC TP Cần Thơ.  Ngoài ra, Hội thảo còn vinh dự có sự góp mặt của Ông Nguyễn Quang Hưng - Uỷ viên Thường vụ Hội SVC Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội SVC TP Cần Thơ.

Toàn cảnh hội thảo “Cây kiểng lá và ứng dụng vào công trình cảnh quan sân vườn”

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Lê Văn Hoà đã bày tỏ sự vui mừng khi hội thảo được quan tâm bởi đông đảo các chuyên gia cũng như các công ty có chuyên môn trong lĩnh vực Cây kiểng lá và các bạn sinh viên đến từ khối ngành Cây trồng thuộc Trường Nông nghiệp. Ngoài ra, GS.TS. Lê Văn Hoà còn cho biết, nhằm làm nêu bật được tính ứng dụng của Cây kiểng lá vào việc trang trí các công trình cảnh quan sân vườn, hội thảo sẽ thông qua 4 nội dung tham luận, để có thể hiểu rõ hơn về “Cây kiểng lá và ứng dụng vào công trình cảnh quan sân vườn”.


GS.TS. Lê Văn Hòa phát biểu tại hội thảo

Đi vào nội dung chính của hội thảo, KS. Hồ Sỹ Bằng – Chủ nhiệm CLB Cây kiểng lá Cần Thơ đã tình bày về chủ đề “Sự phát triển của công tác sản xuất Cây kiểng lá ở một số các Tỉnh/Thành Phố ở Việt Nam. KS. Hồ Sỹ Bằng chia sẻ: “Không có khái niệm cụ thể và chính thức nào về tên gọi Kiểng lá. Kiểng lá là những loại cây thông thường trong tự nhiên, có thể có hình dạng lá đặc sắc, màu sắc đa dạng. Kiểng lá thường được biết đến là những cây ưa bóng râm, ưa mát, điều kiện sống với ẩm độ cao”. Ngoài ra, KS. Hồ Sỹ Bằng còn chia sẻ thêm về quá trình phát triển của phong trào chơi “Kiểng lá” và cách thức nhân giống – sản xuất Cây kiểng lá phổ biết hiện nay cũng như công tác sản xuất Cây kiểng lá.


Hồ Sỹ Bằng chia sẻ tại hội thảo

Tiếp tục chương trình hội thảo là phần báo cáo tham luận của KS. Nguyễn Thắng Tâm về chủ đề “ Ứng dụng Cây kiểng lá vào công trình cảnh quan”. Theo đó, Cây kiểng lá hiện nay được ứng dụng rộng rãi vào các công trình nội thất và ngoại thất, KS. Nguyễn Thắng Tâm cho biết, ưu điểm của Cây kiểng lá đối với công trình cảnh quan như: tạo được điểm nhấn về không gian, nhiều chủng loại mới đa đạng giúp gia tăng sự mới mẻ, có nhiều chủng loại dễ thích nghi với môi trường và khí hậu tại Việt Nam, phù hợp với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Có thể nói cơ hội ứng dụng rộng rãi Cây kiểng lá trong công trình cảnh quan là rất tiềm năng vì Cây kiểng lá đã và đang được thị trường quan tâm nhiều hơn, ngoài ra, Cây kiểng lá còn phù hợp với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, từ công trình dự án lớn đến các hộ gia đình.


Nguyễn Thắng Tâm chia sẻ tại hội thảo

Trong khuôn khổ của hội thảo, đại biểu cũng đã được lắng nghe KS. Nguyễn Phước Hậu trình bày về nội dung “Ứng dụng cây kiểng nói chung và kiểng lá nói riêng đối với công trình cảnh quan sân vườn thực tế”. Trong phần nội dung này, KS. Nguyễn Phước Hậu chia sẻ: “Cây kiểng là một trong những yếu tố tạo nên một thiết kế cảnh quan sân vườn với vai trò quan trọng là một thể sống, mang lại sinh khí, sự trong lành cho sân vườn. Vì vậy cây kiểng hiện nay được ứng dụng rất nhiều và phổ biến trong sân vườn”. Theo đó, Cây kiểng lá hiện nay có rất nhiều hình dáng, kích thước, màu sắc khắc nhau cùng với lợi ích giúp thanh lọc không khí, hấp thụ bụi bẩn, độc tố và tạo bóng mát đang là lựa chọn tối ưu trong việc bố trí vào không gian nội thất, trang trí sân vườn quán cà phê, nhà hàng, khách sạn,…


Nguyễn Phước Hậu chia sẻ tại hội thảo

Đến với nội dung tham luận cuối cùng của hội thảo, đại biểu được tìm hiểu về “Thực vật bản địa cho cảnh quan, sân vườn” do KS. Trần Thế Mỹ chia sẻ. Được biết, cây bản địa hiện nay cũng được ưa chuộng để phục vụ cho ngành cảnh quan nói chung và ngành hoa kiểng Việt Nam nói riêng. Lý do thực vật bản địa đang có hướng phát triển tốt bởi vì cần ít công bảo trì hơn so với các loại cây khác, bên cạnh đó cây bản địa cũng góp phần phục hồi môi trường sống tự nhiên khi xây dựng cảnh quan cùng với các loài thực vật bản địa khác. Tuy nhiên, KS. Trần Thế Mỹ cũng lưu ý rằng cần phải đảm bảo khai thác và phát triển bền vững đối với cây bản địa: “Các nhà thực vật học, nông học, di truyền học, nhà sản xuất, các đơn vị thiết kế tư vấn cảnh quan các ngành liên quan về nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phong trào tuyển chọn lai tạo nguồn tài nguyên thực vật bản địa để biến tiềm năng thành hiện thực, mang lại lợi ích kinh tế cho nước nhà”.


Trần Thế Mỹ chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Vàng cũng có một số chia sẻ về nội dung của các bài tham luận: “Cách trình bày của 4 bài báo cáo giúp cho chúng ta liên tưởng đến tiềm năng phát triển du lịch địa phương bởi vì có thể thấy rằng cây bản địa hiện có rất nhiều lợi thế, vì sự mới mẻ, độc lạ sẽ khiến du khách tò mò và thích thú khi đến tham quan và du lịch. Ngoài ra, các nội dung báo cáo cũng cho thấy được rằng, hiện nay Cây kiểng lá vẫn còn dư địa rất lớn cho lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể, các công ty chuyên sản xuất phân bón đang nghiên cứu về các loại phân bón có thể sử dụng dễ dàng mà không cần tính toán quá nhiều về công thức và liều lượng”.


PGS.TS. Lê Văn Vàng chia sẻ tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Ông Nguyễn Quang Hưng chia sẻ: “Hội SVC Cần Thơ mong muốn rằng thông qua hội thảo này, các bạn sinh viên có thể ghi nhận được những thông tin vô cùng bổ ích từ đội ngũ kỹ sư và nghệ nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Cây kiểng”. Ông Nguyễn Quang Hưng còn cho biết: “Cây cảnh được xem là một dạng cây nội thất, tuy nhiên để có thể tôn vinh được cái đẹp trong không gian trang trí thì cần lưu ý về các vấn đề như: sắp đặt theo màu lá, theo độ cao, theo điều kiện sinh sống của cây”.


Ông Nguyễn Quang Hưng chia sẻ tại hội thảo


Thông qua hội thảo, đại biểu và các bạn sinh viên tham dự hội thảo có thể hiểu rõ hơn về cách ứng dụng của cây kiểng trong trang trí cảnh quan, sân vườn. Ngoài ra, các bài báo cáo tham luận tại hội thảo đã cho thấy được tiềm năng rất lớn của cây kiểng lá trong thiết kế công trình cảnh quan. Trước đây, trong các không gian cảnh quan thường được trang trí bằng lá và hoa thì gần đây các mảng xanh được xây dựng từ cây kiểng đang được ưa chuộng hơn theo quá trình đô thị hóa.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Tin và ảnh: Đội truyền thông Trường Nông nghiệp. 

Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x
Ngày nhận bằng tốt nghiệp
Dự lễ Tốt nghiệp
Tòa nhà thuộc dự án ODA
Hội thảo - Tọa đàm "Giải pháp ứng phó Hạn, Mặn cho cây trồng - Vật nuôi vùng ĐBSCL"
Ký kết tài trợ học bổng của NDA Group
Ký kết tài trợ học bổng của NDA Group
Trao học bổng "Một tấm lòng"
Toàn cảnh khu 2 ĐHCT
Video giới thiệu Trường Nông Nghiệp
 
 

       Seminar                      Email     

15895162
Hôm nay
Tuần này
Tất cả
4817
124396
15895162
 
TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP - ĐẠI HỌC CẦN THƠ
- Địa chỉ: Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 0292 3831166 - 0292 3830985
Email: tnn@ctu.edu.vn;   Facebook
        College of Agriculture, Can Tho University 
          Campus II, 3/2 street, Ninh Kieu district, Can Tho city, Viet Nam 
          Email: tnn@ctu.edu.vn; Tel: +84 292 3831166; Tel: +84 292 3830814
Email: tnn@ctu.edu.vn;   Facebook