Ngày 19/7/2013, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề “Phát triển nghề trồng nấm hiệu quả”. Diễn đàn có sự hiện diện của các chuyên gia đến từ Cục Trồng trọt, Trung tâm KNQG, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, trường Đại học An Giang, trường Đại học Cần Thơ; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế DOMESCO, Sở Khoa học Công nghệ Môi trường các tỉnh Lâm Đồng, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Diễn đàn cũng thu hút 210 nông dân đến từ 13 tỉnh thuộc vùng ĐBSCL.
Đại diện bộ môn Khoa học cây trồng, Tiến sĩ Lê Vĩnh Thúc có tham gia viết bài đăng ở kỷ yếu của diễn đàn với nội dung “Hướng phát triển trồng nấm rơm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp”. Ngoài ra, tại diễn đàn Tiến sĩ Thúc đã được mời vào Ban cố vấn để trả lời các câu hỏi liên quan đến kỹ thuật trồng nấm rơm của các đại biểu nông dân. Quí Thầy Cô, các em sinh viên cùng quí bạn có quan tâm đến bài viết có thể xem nội dung bên dưới.
Hướng phát triển trồng nấm rơm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp
Lê Vĩnh Thúc1 và Ngô Thị Thanh Trúc2
1Bộ môn Khoa Học Cây Trồng, Khoa Nông Nghiệp và Sinh Học Ứng Dụng, Đại Học Cần Thơ
2Bộ môn Kinh tế Nông Nghiệp và Kinh tế Tài nguyên Môi Trường, Khoa Kinh Tế Quản Trị Kinh Doanh, Trường Đại Học Cần Thơ
- Giới thiệu
Rơm là một trong các sản phẩm phụ sau thu hoạch phổ biến nhất trong sản xuất lúa. Lượng rơm phát sinh nhiều hay ít còn tùy thuộc vào giống lúa, năng suất lúa, mùa vụ (thu hoạch lúa ướt hay lúa khô) và phương thức thu hoạch (chỉ cắt bông lúa hay cắt bông và thân lúc đến sát gốc rạ). Theo thống kê của IRRI, 2003, lượng rơm thường được ước tính dựa theo năng suất lúa với mức dao động là 0,8 – 1,2 lần năng suất lúa. Ngoài ra, rơm chứa khoảng 41% C, 0,5 – 0,.8 % N, 0,05 – 0,1% P, 0,3 – 2,0% K, 12% silica, and 10% lignin. Vì vậy, lượng rơm sau thu hoạch phát sinh rất lớn và chiếm diện tích chứa rơm lớn và thường gây ra vấn đề khó khăn trong sử dụng rơm.
Với sản lượng lúa hàng năm của Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 23 triệu tấn (GSO, 2013), lượng rơm phát sinh ước tính khoảng 18 – 31 triệu tấn rơm (tỉ lệ lúa : rơm = 0,8 – 1,35 (Ngo Thi Thanh Truc và Duong Van Ni, 2009; Kadam và ctv. 2000; IRRI knowledge bank. 2003). Do lịch thời vụ ở ĐBSCL, thời gian phát sinh rơm ở ĐBSCL rải rác từ tháng giêng đến tháng 8, tập trung nhiều nhất vào tháng 1, tháng 4 và tháng 8 ở các vùng sản xuất lúa 2 vụ hoặc 3 vụ ở ĐBSCL. Sử dụng hợp lý nguồn rơm trên góp phần tăng độ phì cho đất (Trần Thị Mil và ctv. 2012, Luu Hong Man và Nguyen Ngoc Ha, 2006), tạo thêm thu nhập cho nông dân trồng lúa, tạo thêm việc làm và hạn chế ô nhiễm môi trường (Ngo Thi Thanh Truc và Duong Van Ni, 2009; Ngo Thi Thanh Truc và ctv. 2013; Lê Thị Thanh Hiếu, 2009; Onuoha và ctv. 2009).
Tuy nhiên, đốt rơm hay đốt đồng, là hình thức thải bỏ rơm phổ biến nhất ở các nước sản xuất lúa nói chung và ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, đặc biệt ở các vùng thâm canh lúa ba vụ. Hàng năm khoảng 80% (khoảng 15 – 25 triệu tấn rơm, tính trung bình là 20 triệu tấn) lượng rơm bị đốt bỏ ở ĐBSCL (Ngo Thi Thanh Truc, 2011). Nguyên nhân đốt rơm chủ yếu do lịch thâm canh tăng vụ, thiếu các hình thức sử dụng rơm và ý thức của nông dân về việc đốt rơm.
Đốt rơm gây ô nhiễm không khí, mất dinh dưỡng và gây hại cho sức khỏe của cộng đồng. Với lượng rơm đốt hàng năm ở ĐBSCL khoảng 20 triệu tấn, khoảng 62 nghìn tấn CH4, 1,61 nghìn tấn N20, 2,1 triệu tấn CO, 9,2 nghìn tấn SO2 và 57,5 nghìn tấn NOx thải ra môi trường (Ngo Thi Thanh Truc, 2011). Ngoài ra, ước tính đốt rơm làm mất 99,86% lượng N, 18,74% lượng P và 43,64% lượng K có trong rơm (Ngo Thi Thanh Truc va Duong Van Ni, 2009). Đốt rơm gây hại cho sức khỏe của nông dân trực tiếp đốt rơm và của cả cộng đồng. Các bệnh phổ biến liên quan đến đốt rơm là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ em, người bị dị ứng và có bệnh hen suyễn khi tiếp xúc với khói do đốt rơm (Slolomon 2001, 2002 và 2003).
Để sử dụng hợp lý rơm và hạn chế đốt rơm sau thu hoạch ở ĐBSCL, trồng nấm rơm là một giải pháp tốt có khả năng sử dụng nguồn rơm lớn ở ĐBSCL. Trồng nấm rơm giúp hạn chế phát thải khí nhà kính (Ngo Thi Thanh Truc và ctv. 2013) và ô nhiễm môi trường (Onuoha và ctv. 2009). Trồng nấm rơm còn góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân trồng lúa và giả quyết vấn đề nhàn rỗi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (Ngo Thi Thanh Truc và ctv. (2013) và Lê Thị Hiếu (2009).
Ngoài ra, nấm rơm là có hàm lượng Kcalo rất thấp, không chứa chất béo, muối và có rất ít hàm lượng cholesterol nên nấm rơm luôn được chọn trong khẩu phần dành cho những người ăn kiêng. Bên cạnh đó nấm rơm còn có chứa Selenium và Niacin là 2 nguyên tố cần thiết trong hệ miễn dịch, tuyến giáp, sản xuất hormone nam và ngăn cản ung thư (Hobbs, 1995). Ngoài giá trị dinh dưỡng nấm rơm còn có giá trị kinh tế cao. Ở Uganda, nấm rơm trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ tốt, ngoài tiêu thụ trong nước thì còn xuất khẩu hàng năm khoảng 44 tấn cho Nhật, 40 tấn cho USA và 2 tấn cho nước Cộng hòa dân chủ Congo (Ukoima và ctv, 2009). Nấm rơm ở nước ta có thị trường xuất khẩu khá rộng như EU, Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Đài Loan…Trong đó Mỹ là thị trường tiêu thụ của nước ta nhiều nhất và ngày càng tăng cao. Hàng năm sản lượng nấm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ở nước ta đạt từ 30.000 – 50.000 tấn nấm tươi, nấm khô với giá trị tương đương từ 50–150 triệu USD (Nguyễn Thúy Nhung, 2012).
- Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh cho nấm rơm phát triển
Nấm rơm hay nấm mũ rơm (Volvariella volvacea) là một loài nấm trong họ nấm lớn sinh trưởng và phát triển từ các loại rơm rạ. Nấm rơm có thể phát triển tốt trên các loại giá thể khác nhau như thân cây bắp, bả mía (Akinyele và Adetuyi, 2005). Theo Bolton và Blair (1982) thì rơm là nguyên liệu tốt nhất để cho nấm phát triển. Ngoài nguyên liệu phù hợp để nấm rơm phát triển thì yếu tố nhiệt độ và pH là 2 yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm rơm. Theo Fasidi (1996) nấm rơm có thể phát triển được trong nhiệt độ từ 20-400C và pH dao động từ 3 đến 10. Tuy nhiên nhiệt độ và pH tối hảo để cho nấm rơm phát triển tốt là 350C và 6,0. Theo Quimio (2002) thì sợi nấm có thể phát triển trong khoảng 32-360C, trong khi đó thì nấm phát triển tốt ở nhiệt độ thấp hơn khoảng 2-30C so với nhiệt độ cho sự phát triển của sợi nấm. Ở nhiệt độ 300C là nhiệt độ tối hảo để nấm rơm phát triển (Salmones và ctv. 1996). Nấm rơm phát triển sau khi thấy sự xuất hiện của sợi nấm khoảng10-14 ngày. Ẩm độ không khí cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của nấm rơm. Ẩm độ thích hợp cho nấm rơm phát triển dao động từ 65-85% (Chang and Quimio, 1989). Theo Nguyễn Hữu Đổng và ctv. (2002) thì độ ẩm không khí từ 80% trở lên thì thích hợp cho nấm rơm phát triển, nếu thấp hơn thì nấm rơm sẽ sinh trưởng chậm và độ ẩm tương đối trong nguyên liệu thường là 65-70%. Độ ẩm trong nguyên liệu cao hơn có thể gây yếm khí cho tơ nấm phát triển, còn nếu độ ẩm xuống thấp thì các chất dinh dưỡng khó hòa tan làm cho nấm khó hấp thu cũng làm nấm phát triển kém (Nguyễn Hữu Đổng và ctv. 2003).
- Thuận lợi và khó khăn của các hộ trồng nấm rơm và các mô hình trồng nấm rơm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Thuận lợi và khó khăn của các hộ trồng nấm rơm và các mô hình trồng nấm rơm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long được tổng hợp từ các nghiên cứu tại các địa bàn trồng nấm rơm ở Cần Thơ (Trường Lạc, quận Ô Môn và Thơm Rơm, huyện Thốt Nốt), Tiền Giang (Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) và Hậu Giang (Bảng 1).
Bảng 1. Thuận lợi và khó khăn của nông hộ trồng nấm và mô hình trồng nấm rơm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Địa bàn
(Nguồn)
|
Đặc điểm
mô hình trồng nấm rơm
|
Thuận lợi
|
Khó khăn
|
Trường Lạc, Ô Môn,
Cần Thơ
(a, b và c)
|
Trồng nấm rơm qui mô nhỏ và hộ gia đình, chủ yếu trồng nấm rơm sau vụ Thu Đông
|
- Tận dụng nguồn rơm có sẵn, diện tích nhà và lao động nhà nên chi phí trồng nấm bằng tiền thấp (low cash cost).
- Cải thiện nguồn thực phẩm gia đình
- Cải thiện thu nhập nông hộ.
|
- Năng suất nấm rơm thấp.
- Xa chợ đầu mối thu gom nấm rơm nên giá bán nấm rơm thấp và thường bị thương lái ép giá hoặc không thu mua nấm rơm.
- Nông dân thiếu kỹ thuật trồng nấm cải tiến, bảo quản và sơ chế nấm rơm.
|
Mỹ Thành Nam,
Cai Lậy,
Tiền Giang
(a, b và c)
|
Trồng nấm rơm hộ gia đình, qui mô nhỏ lẻ
|
- Nông dân mong muốn được tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm để có thể trồng nấm rơm cải thiện thu nhập.
- Chính quyền địa phương ủng hộ phát triển trồng nấm rơm ở địa phương
- Các tổ chức hợp tác phát triển mạnh.
|
- Ít hộ tham gia trồng nấm rơm.
- Nông dân thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng nấm rơm, bảo quản nấm rơm tươi và sơ chế nấm rơm.
- Chưa có kế hoạch phát triển hướng tiêu thụ nấm rơm.
|
Thơm Rơm, Cần Thơ
(avà b)
|
Trồng nấm rơm tập trung, quanh năm (tiêu thụ nấm tươi, nấm khô và nấm đóng hộp)
|
- Có chợ đầu mối tiêu thụ nấm rơm.
- Có công ty tiêu thụ nấm rơm đóng hộp.
|
- Chi phí trồng nấm rơm cao.
- Năng suất trồng nấm rơm vẫn còn thấp.
|
Tân Hòa, Đồng Tháp
(a và b)
|
Sản xuất nấm rơm tập trung, quanh năm (nấm khô và nấm chế biến phát triển mạnh hơn ở Thơm Rơm, Cần Thơ)
|
- Có chợ rơm cung cấp rơm quanh năm.
- Có các công ty tiêu thụ nấm rơm đóng hộp.
- Có thương lái tiêu thụ nấm rơm khô và sơ chế.
- Có làng nghề trồng hoa ở các xã lân cận có nhu cầu tiêu thụ lượng rơm mục sau khi chất nấm.
|
- Năng suất nấm rơm vẫn còn thấp.
- Chi phí sản xuất nấm cao.
|
Hậu Giangd
|
Trồng nấm rơm tập trung và quanh năm
|
- Hệ thống đại lý nấm luộc và công ty chế biến nấm phát triển.
|
- Chất lượng meo thấp làm ảnh hưởng đến năng suất nấm rơm.
- Năng suất và ý thức lao động của công nhân ở các công ty chế biến nấm rơm thấp.
- Mức độ tương tác giữa các tác nhân trong kênh phân phối nấm rơm còn thấp.
|
Nguồn: aNgo Thi Thanh Truc và ctv. (2013); bNgo Thi Thanh Truc (2011);
cNgô Thị Thanh Trúc (2006); dLê Thị Thanh Hiếu (2009)
Ở mô hình trồng nấm rơm tập trung, qui mô lớn và trồng nấm rơm quanh năm (Thơm Rơm, Cần Thơ; Tân Hòa, Đồng Tháp và Hậu Giang), thuận lợi lớn nhất của mô hình này là có hệ thống thu gom rơm, người thu gom nấm rơm, chợ đầu mối nấm rơm và các cơ sở sơ chế nấm rơm và công ty chế biến nấm rơm đóng hộp phát triển, vùng có thể trồng nấm rơm với diện tích lớn và tiêu thụ nấm dễ dàng. Tuy nhiên, chi phí trồng nấm rơm cao, đặc biệt là chi phí bằng tiền, do người trồng nấm phải mua/thuê mướn tất cả các chi phí phát sinh trong quá trình trồng nấm. Năng suất nấm rơm vẫn còn thấp do nhiều hộ trồng nấm vẫn chưa áp dụng các kỹ thuật mới trong trồng nấm rơm và qui mô của các mô hình trồng nấm rơm tập trung như ở Thơm Rơm, Tân Hòa còn ít và với qui mô còn quá nhỏ so với lượng rơm phát sinh rất lớn hàng năm ở ĐBSCL.
Với mô hình trồng nấm rơm hộ gia đình, qui mô nhỏ (Trường Lạc, Cần Thơ), thuận lợi lớn nhất của các hộ trồng nấm là chi phí đầu tư bằng tiền cho trồng nấm thấp (do tận dụng rơm nhà, đất nhà và lao động nhàn rỗi của gia định), giúp hộ trồng nấm rơm cải thiện nguồn thực phẩm và tăng thu nhập (Ngô Thị Thanh Trúc, 2006 và Ngo Thi Thanh Truc, 2011). Tuy nhiên, do các hộ trồng nấm rơm không tập trung và qui mô nhỏ, lượng nấm rơm tiêu thụ ít nên gây khó khăn cho việc thu gom nấm rơm đến các chợ đầu mối tiêu thụ nấm rơm. Kết quả là các hộ trồng nấm rơm thường bị thương lái ép giá hoặc không thu mua nấm rơm. Năng suất nấm rơm ở các mô hình này thường cũng không cao do người trồng nấm chỉ sử dụng kinh nghiệm sẵn có để trồng nấm rơm mà ít cập nhật kỹ thuật mới về trồng nấm rơm cũng như kiến thức về bảo quản và sơ chế nấm rơm.
Ngoài ra, trường hợp ở Tiền Giang (Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy), có rất ít hộ trồng nấm rơm nên chưa họ có kinh nghiệm trồng nấm rơm hoặc chưa biết kỹ thuật trồng nấm rơm. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa, hợp tác xã, hội nông dân, hội phụ nữ cũng như chính quyền địa phương đều có mong muốn phát triển trồng nấm rơm ở địa phương. Đây là điều kiện để phát triển cả mô hình trồng nấm rơm qui mô nhỏ và trồng nấm rơm tập trung cho khu vực này.
- Hướng phát triển nghề trồng nấm ở Đồng bằng sông Cửu Long
4.1. Phát triển làng nghề chất nấm rơm
Mục tiêu: Phát triển làng nghề trồng nấm rơm tập trung với qui mô lớn và sản xuất quanh năm, có thể tiêu thụ lượng rơm lớn cho Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Phương thức tổ chức:
- Cần xác định nơi/vị trí phát triển làng nghề trồng nấm rơm có tiềm năng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Địa điểm của làng nghề trồng nấm rơm cần có các điều kiện như có diện tích trồng nấm rơm lớn, vùng có thể huy động lao động, đặc biệt là lao động nhàn rỗi theo mùa vụ và lao động phổ thông để trồng nấm rơm và tham gia thu gom rơm và nấm rơm, có vị trí thuận lợi cho việc vận chuyển rơm và vận chuyển nấm rơm đến các cơ sở sơ chế nấm rơm và công ty chế biến nấm rơm đóng hộp) và là nơi có thể phát triển chợ đầu mối tiêu thụ nấm rơm.
- Tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm cải tiến cho năng suất cao và phẩm chất nấm ngon; kỹ thuật bảo quản và sơ chế nấm rơm trong trường hợp không tiêu thụ được nấm tươi hay giá nấm tươi thấp; kiến thức kinh tế hộ gia đình và thông tin thị trường cho hộ muốn tham gia vào làng nghề nấm rơm.
- Khuyến khích các tổ hợp tác (hợp tác xã, hội nông dân, hội phụ nữ, câu lạc bộ các hộ trồng nấm rơm) tham gia vào hệ thống kênh phân phối nấm rơm nhằm tăng mức độ tương tác giữa nông dân trồng nấm, người thu gom rơm và thu gom nấm rơm, các cơ sở sơ chế nấm rơm và các công ty chế biến nấm rơm sao cho kênh phân phối nấm rơm đạt hiệu quả cao.
- Phát triển chợ đầu mối tiêu thụ nấm rơm và liên kết các chợ đầu mối nấm rơm ở các tỉnh ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh để mở rộng thị trường bán nấm rơm và phổ biến thông tin thị trường nấm rơm cho các chợ đầu mối.
- Khuyến khích sự phát triển và đầu tư của các cơ sở sơ chế nấm rơm và công ty chế biến nấm rơm đóng hộp ở gần các làng nghề trồng nấm rơm.
4.2. Phát triển mô hình trồng nấm rơm theo hộ hoặc nhóm hộ
Mục tiêu: Phát triển mô hình trồng nấm rơm qui mô nhỏ (theo hộ hoặc nhóm hộ nhằm cải thiện nguồn thực phẩm và thu nhập nông hộ.
Đối tượng: Mô hình trồng nấm rơm qui mô nhỏ phù hợp cho các hộ muốn cải thiện nguồn thực phẩm và thu nhập từ việc tận dụng lượng rơm sẵn có và rơm ở các hộ lân cận để trồng nấm rơm. Mô hình cũng phù hợp cho các vùng không có điều kiện thuận lợi để vận chuyển rơm đến các làng nghề trồng nấm rơm tập trung.
Phương thức tổ chức:
- Tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm cải tiến, kỹ thuật bảo quản nấm rơm tươi và sơ chế nấm rơm qua các phương tiện truyền thông đại chúng (truyền hình, truyền thanh, báo địa phương) và các chương trình khuyến nông ở địa phương.
- Khuyến khích nông dân trồng lúa không đốt rơm mà tận dụng rơm để chất nấm rơm.
- Giải pháp hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm rơm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
5.1. Giải pháp chung
- Cần thông tin cho cộng đồng biết về giá trị của rơm, thiệt hại về kinh tế, môi trường và sức khỏe của cộng đồng do đốt rơm. Các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền thanh, truyền hình, báo địa phương là các phương tiện phù hợp cho phổ biến kiến thức cộng đồng. Ngoài ra, có thể lồng ghép các thông tin trên vào các chương trình khuyến nông của địa phương để khuyến cáo nông dân hiểu về giá trị của rơm và không nên đốt rơm.
- Phổ biến các kỹ thuật trồng nấm rơm cải tiến, kỹ thuật quản nấm rơm tươi, sơ chế nấm rơm qua các chương trình khuyến nông của tỉnh, chương trình khuyến nông/nông nghiệp của các đài truyền thanh, truyền hình và báo địa phương.
- Tạo điều kiện phát triển làng nghề trồng nấm và hệ thống kênh phân phối nấm rơm để tiêu thụ nấm rơm.
- Phối hợp với các viện/trường nghiên cứu nâng cao hiệu quả trồng nấm rơm và chuỗi giá trị ngành hàng nấm rơm.
- Quy định hạn chế đốt rơm và điều kiện được phép đốt rơm cho các vùng trồng lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
5.2. Giải pháp phát triển làng nghề trồng nấm rơm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
- Thực hiện nghiên cứu khả thi các làng nghề trồng nấm rơm ở ĐBSCL.
- Khuyến khích các viện/trường tham gian nghiên cứu các kỹ thật nhằm nâng cao năng suất trồng nấm rơm, kỹ thuật sơ chế và chế biến nấm rơm, phát triển sản phẩm nấm rơm mới có giá trị gia tăng (sản phẩm sơ chế hoặc chế biến) và nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ nấm rơm để hỗ trợ cho các làng nghề trồng nấm ở ĐBSCL.
Tài liệu tham khảo
Akinyele B.J. and Adetuyi F.C. 2005. Effect of agrowastes, pH and temperature variation on the growth of Volvariella volvacea. African Journal of Biotechnology 4(12): 1390-1395.
Bolton W. and Blair R. 1982. Poultry Nutrition (Ministry of Agriculture, fisheries and food reference book 174 pp 4th ed. London: Her Majesty’s Stationery office pp 115,118,121.
Chang S.T. and Quimio T.H. 1989. Tropical mushrooms biological and cultivation methods. The university of Hong Kong. 489pp.
Chang ST. 1993. Prospect of Volvoriella volvacea cultivation, Mushroom. Newsletter for the Tropics 4(2): 5-8.
Fasidi I.O. 1996. Studies on Volvariella esculenta (mass) singer: Cultivation on Agricultural wastes and Proximate Composition of Stored Mushrooms. Food Chemistry: 55(2) 161 – 163
GSO. 2013. Diện tích gieo trồng và sản lượng lúa ở Việt Nam và Đồng Bằng Sông Cửu Long từ 1999 – 2012.
Hobbs H. 1995. Medicinal mushrooms. Amer. IBot. 87: 821-827.
IRRI Knowledge Bank. 2003. Rice Straw Properties. http//:www.knowledgebank.irri.org/troprice/Rice_Straw.htm
Kadam K.L., Forrest L.H. and Jacobson W.A. 2000. “Rice Straw as a Lignocellulosic Resource: Collection, Process-ing, Transportation, and Environmental Aspects,” Biomass and Bioenergy, Vol. 18, No. 5, 2000, pp. 369-389.
Lê Thị Thanh Hiếu. 2009. Phân tích chuỗi cung ứng ngành hang nấm rơm tỉnh Hậu Giang. Luận văn thạc sĩ. Đại học Cần Thơ.
Luu Hong Man và Nguyen Ngoc Ha. 2006. Effect of decomposed rice straw at different times on rice yield. Omonrice 14, 58-63.
Ngo Thi Thanh Truc and Duong Van Ni. 2009. Mitigation of Carbon Dioxide Emission: An Environmental Assessment of Rice Straw Burning Practice in the Mekong Delta. Procedings MEKARN Workshop on Livestock, Climate Change and the Environment (Reg Preston and Vo Lam (editors)).
Ngo Thi Thanh Truc, Zenaida M. Sumalde, Florencia G. Palis and Reneir Wassmann. 2013. Farmers’ awareness and factors affecting farmers’ acceptance to grow straw mushroom in Mekong Delta, Vietnam and Central Luzon, Philippines. Presented at the 4th International Conference on Environment and Rural Development at Siem Reap, Cambodia, 19-20 January 2013. Book of abstract. p41.
Ngô Thị Thanh Trúc. 2006. Đánh giá tác động kinh tế và môi trường của tập quán đốt rơm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Luận văn thạc sĩ. Đại học Cần Thơ.
Ngo Thi Thanh Truc. 2011. Comparative assessment of using rice straw for rapid composting and straw mushroom production in mitigating greenhouse gas emissions in Mekong Delta, Vietnam and Central Luzon, Philippines. PhD Dissertation. University of the Philippines Los Baños.
Nguyễn Hữu Đống, Đinh Xuân Linh, Nguyễn Thị Sơn, Zani Federico. 2002. Nấm ăn cơ sở khoa học và công nghệ nuôi trồng. Hà Nội: NXB Hà Nội.
Nguyễn Hữu Đống. 2003. Nuôi trồng và sử dụng nấm ăn, dược liệu Nghệ An: NXB Nghệ An.
Nguyễn Thúy Nhung, 2012. Trồng nẩm rơm- Giải pháp kinh tế, môi trường cho nông thôn. http://cdyt.thuvienkhktbl.vn/Tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?ID=124
Onuoha C.I., Oyibo G. and Ebibila Judith. Cultivation of straw mushroom (Volvariella volvacea) using some agro-waste material. Journal of American Science 5(5):135-138.
Quimio T.H. 2002. On spawn production of volvariella volvacea, the tropical straw mushroom. Mushroom Biology and Mushroom Products. Sánchez et al. (eds). UAEM.
Salmones D., Waliszewskiz K.N. and Guzmán G. 1996. Use of some agro-industrial lignocellulose by-products for edible mushroom Volvariella volvacea cultivation. Rev. Int. Contam. Ambient. 12 (2), 69-74.
Slolomon, C., A. Written, I. Schmidlin, P. Girling, D. Morris, M. Arjmandi, R. Jasmer, R. Willams, J. Mehlschau, M. Kleinman, B. Jenkins và J. Balmes. 2002. Inhalational exposure of individuals expression. Eur. Respir. J. 20: 38.
Slolomon, C., I. Schimidin, P. Girling, L. Pripstein, R. Willians, M. Kleinman, B. Jenkins và J. Balmes. 2001. Exposure to smoke from rice straw; affect on airway cells in healthy humans. Am. J. Respir. Crit. Care Med. 163: 5
Slolomon, C., P. Girling, A. Written, I. Schmidlin, D. Morris, M. Arjmandi, R. Jasmer, R. Willams, J. Mehlschau, M. Kleinman, B. Jenkins và J. Balmes. 2002. Effect of exposure to smoke form rice straw on airway inflammation in individuals with allergic rhinitis. Am. J. Respir. Crit. Care Med. 163: 8.
Thanh Hoa, 2013, Nguy cơ từ việc đốt rơm rạ, phơi thóc lúa trên đường trong mùa gặt, http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30106&cn_id=588212
Ukoima H.N., Ogbonnaya L.O., Arikpo G.E. and Ikpe F.N. 2009. Cultivation of Mushroom (Volvariella volvacea) on Various Farm Wastes in Obubra Local Government of Cross River State, Nigeria. Pakistan journal of nutrition 8(7): 1059-1061.
Võ Hùng Nhiệm. 2013.Dascela - Dasvila Bộ đôi sản phẩm kết hợp sức mạnh sinh học http://bannhanong.vn/danhmuc/Mw==/baiviet/Dascela---Dasvila-Bo-doi-san-pham-ket-hop-suc-manh-sinh-hoc/MjkwNg==/index.bnn
Category: Hướng dẫn kỹ thuật