GS TS Nguyễn Bảo Vệ,
Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng, Trường Đại Học Cần Thơ
Đồng Bằng Sông Cửu Long là vùng đất thấp (cao độ bình quân từ 0,5-2 m so với mực nước biển) nên hàng năm đều có mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa nắng. Từ lâu, người dân sống ở vùng ven biển đã có kinh nghiệm bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai chỉ có nước ngọt trong mùa mưa. Một số hệ thống canh tác chính mà nông dân đang canh tác ở vùng nầy như: (1) Ngăn mặn triệt để, không cho nước mặn vào ruộng trong mùa nắng để trồng lúa, rau, màu trong mùa mưa; (2) Đào mương lên líp trữ nước mưa trong mương vườn vào mùa nắng để trồng cây ăn trái, trồng cây công nghiệp quanh năm; và (3) Cho nước mặn vào ruộng trong mùa nắng để nuôi tôm hay cá, sau đó rửa mặn trồng lúa trong mùa mưa.
Tuy nhiên, hiện nay mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền, độ mặn tăng cao và thời gian mặn kéo dài hơn đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh vùng ven biển của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hiện tượng nầy đã xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian qua, đó là hậu quả của: (1) Mực nước biển dâng cao hơn do trái đất nóng lên làm tan băng ở 2 cực của trái đất và làm thể tích nước biển gia tăng; (2) Lưu lượng nước sông Cửu Long trong mùa khô ít đi do rừng thượng nguồn ở các nước đầu nguồn thuộc lưu vực sông Cửu Long bị tàn phá; (3) Nước sông Cửu Long bị ngăn chận trong mùa nắng bởi các nước ở thượng nguồn làm nhiều đập giữ nước; (4) Nước sông Cửu Long bị sử dụng nhiều hơn trong mùa nắng do diện tích đất canh tác ngày càng gia tăng ở các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và ở cả nước ta.
Để đối phó với tình trạng nầy, bên cạnh những biện pháp tích cực như: (1) Cũng cố việc ngăn mặn, không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng; và (2) Nạo vét kênh mương tiếp ngọt để duy trì sản xuất nông nghiệp, thì việc bố trí lại cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện hiện nay và hiệu chỉnh kỹ thuật canh tác cũng là một biện pháp rất hữu hiệu, linh hoạt có thể áp dụng nhanh, ít tốn kém và mọi người dân có thể làm được. Biện pháp nầy bao gồm:
- Bố trí lại mùa vụ để né mặn:
Bố trí mùa vụ thu hoạch sớm hơn để tránh mặn cuối vụ và xuống giống muộn hơn để tránh mặn đầu vụ. Biện pháp nầy có thể được thực hiện bằng cách chọn giống cây trồng hoặc vật nuôi có chu kỳ sinh trưởng ngắn. Hiện nay có giống lúa cực ngắn ngày (80-85 ngày), những giống đậu 60 ngày, giống bắp 70 ngày, giống rau 50 ngày, cá, tôm… có chu kỳ sinh trưởng ngắn phù hợp cho việc bố trí lại mùa vụ nầy.
- Chọn giống kháng mặn:
Canh tác những loại cây trồng hoặc vật nuôi có khả năng kháng mặn để khi mặn tăng cao ít bị thiệt hại. Một số loại cây trồng chịu mặn tốt như bông vải (7,7 dS/m), sorghum (6.8 dS/m), bí rợ (3,9 dS/m), đậu nành (5 dS/m), đậu đủa (4,9 dS/m)… Đối với cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày nên trồng cây ghép trên những gốc ghép có khả năng kháng mặn. Giống lúa Một Bụi Đỏ ở Bạc Liêu chống chịu mặn rất tốt.
- Thay đổi hệ thống canh tác:
Cây trồng được canh tác trong mùa mưa có nước ngọt, luân canh với nuôi cá, tôm trong mùa nắng có nước mặn hay lợ. Hiện nay, nông dân đã thực hiện hệ thống canh tác nầy như mô hình lúa–tôm sú, lúa–cá nước lợ... Hệ thống canh tác lúa–tôm sú đã được áp dụng ở vùng nước lợ các tỉnh ven biển Đồng Bằng Sông Cửu Long từ những năm 60. Đây là mô hình có tính đặc thù của những vùng nhiễm mặn theo mùa, đặc biệt ở những vùng mới chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ canh tác lúa một vụ kém hiệu quả như ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Nét đặc thù của mô hình này là tôm sú được thả nuôi trong mùa khô theo phương thức quảng canh cải tiến (khi nguồn nước trên sông bị nhiễm mặn) và canh tác lúa trong mùa mưa (nước ngọt).
- Trồng loại cây có nhu cầu nước ít:
Khi mặn xâm nhập thì nước ngọt phục vụ cho sản xuất trở nên khan hiếm, nên chọn trồng những loại cây có nhu cầu nước ít. Cây bắp, đậu nành và một số loại rau màu khác có nhu cầu nước ít hơn cây lúa rất nhiều. Có thể so sánh nhu cầu nước của cây lúa với cây đậu nành và bắp trong bảng sau:
Loại cây trồng
|
Nhu cầu nước
(g nước/g chất khô)
|
Lúa
|
343
|
Đậu nành
|
276
|
Bắp
|
129
|
- Tăng cường khả năng chịu mặn cho cây:
Trong trường hợp cây trồng bị nhiễm mặn, bằng biện pháp kỹ thuật canh tác có thể gia tăng khả năng chịu mặn cho cây như phun một số hóa chất lên lá, bón dưỡng chất đối kháng mặn, cung cấp phân bón qua lá, sử dụng màng phủ nông nghiệp.
- Áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt.
Tưới nhỏ giọt là một biện pháp tiết kiệm nước tưới rất tốt. Hiệu quả sử dụng nước tưới lên trên 90%, là nhờ nước không chảy tràn, giảm thấm sâu, ít bốc hơi và tưới đúng vào vùng rễ của cây trồng.
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các biện pháp đã nêu, cần phải điều tra, khảo sát và có qui hoạch cụ thể việc áp dụng cho từng vùng sinh thái có nguy cơ bị thiệt hại do mặn. Sau đó tiến hành xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân.