GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ
Bộ môn Khoa học Cây trồng, Khoa NN & SHƯD, Trường Đại Học Cần Thơ
Thương hiệu là sự chứng nhận trên thương trường một mặt hàng nào đó gọi là đặc sản của địa phương, của quốc gia. Chẳng hạn như nước mắm Phú Quốc của ta là đặc sản ngon hảo hạng đã để lại hương vị đậm đà mà không một người Việt Nam nào quên được dù ở trong nước hay trú ngụ tại nước ngoài, ngay cả người dân một số nước khác khi đã thưởng thức rồi họ không thể nào quên, mua về làm quà cho thân nhân như để giới thiệu đặc sản của ta khi họ có dịp đến thăm. Có những sản phẩm tự nó vốn dĩ đã làm nên tên tuổi được người tiêu dùng đánh giá cao, vì thế, chất lượng đã làm nên tên tuổi sản phẩm. Vậy thì thương hiệu là địa chỉ đáng tin cậy, và thương hiệu tồn tại lâu dài hay không chính là do con người quyết định.
Thương hiệu để tự nó hình thành theo thời gian có khi phải rất lâu, vì vậy cần phải thúc đẩy, quảng cáo sản phẩm nổi tiếng, giới thiệu cho mọi người biết là điều cần thiết. Đặt nhản hiệu cho hàng nông sản Việt Nam mới được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, giới thiệu thương hiệu hàng nông sản là cách giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc thù riêng của vùng mà chỉ đặc biệt ở vùng đó hàng nông sản mới hội đủ tiêu chuẩn, qui cách, chất lượng, hương vị riêng biệt mà cùng chủng loại đó khi trồng ở nơi khác không đáp ứng được những tiêu chuẩn trên, như hồ tiêu của Phú Quốc.
Thương hiệu cho hàng nông sản chính là đưa sản phẩm nông nghiệp ngon lên tầm vị trí xứng đáng của nó đến với mọi người (cả trong nước và nước ngoài) biết một chủng loại cây, con đặc thù của ta. Có những mặt hàng nông sản có chất lượng cao nhưng thiếu thương hiệu nên giá trị của nó chưa được biết đến. Tuy nhiên, đặt thương hiệu cho mặt hàng nông sản đặc thù của ta không khó, nhưng cái cốt lõi ở đây là làm thế nào luôn giữ vững thương hiệu và tạo dấu ấn cho người tiêu dùng để đứng vững trên thị trường quốc nội lẫn quốc tế đó mới là vấn đề cần phải hết sức quan tâm.
Để hàng nông sản có thương hiệu được giữ vững dài lâu thì vấn đề mấu chốt chính là chất lượng sản phẩm, chính chất lượng quyết định sự sống còn của thương hiệu. Thế nên sản phẩm nông nghiệp cần đảm bảo tính nhất quán về chất lượng đồng đều bên trong, ngoại hình bên ngoài, sản phẩm cần hội đủ tiêu chuẩn quốc tế qui định nên phải sản xuất theo một qui trình công nghệ phù hợp để có thể đáp ứng theo yêu cầu chất lượng đó, đồng thời phải có chế độ bảo quản tốt để đến được thị trường xa. Sự đòi hỏi khắc khe của thị trường nhất là thị trường nước ngoài rất nghiêm nhặt. Trong thời gian qua, một số mặt hàng của ta xuất sang nước ngoài do không đáp ứng tiêu chuẩn, qui cách cũng như chất lượng đã không được thị trường khó tính chấp nhận, hơn nữa do cung cách làm ăn một số nông dân ta cũng như một số nhà doanh nghiệp mà hàng xuất khẩu của ta chưa đáp ứng thị trường nước ngoài. Riêng trong nước thì hiện nay người tiêu dùng đã phần nào có vẻ khó tính hơn, xã hội tiến bộ, đời sống vật chất của người dân nâng cao, vì thế trong thời gian hiện nay và sắp tới người tiêu dùng đòi hỏi nhiều về chất lượng sản phẩm nông nghiệp, vì thế sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao sẽ được người tiêu dùng chấp nhận. Giải pháp nào để hàng nông sản giữ vững thương hiệu? Thương hiệu tạo nên lòng tin cho khách hàng, khi cầm một sản phẩm nào đó mà người tiêu dùng không phải đắn đo, suy nghĩ, cân nhắc về chất lượng, độ an toàn, giá cả,...có nghĩa là ta đã mang đến sự an tâm, sự tin tưởng thì chắc chắn rằng sản phẩm đó tồn tại.
Để làm được điều nầy cực kỳ khó, mà cũng không phải một ngày, một buổi có được, đó là cả quá trình lâu dài, bền bĩ, từng bước được người tiêu dùng các nước biết đến. Nhìn chung, hàng nông sản của ta có nhiều chủng loại đáng cho ta đặt thương hiệu. Có chủng loại trái ngon rồi chưa đủ, thị trường đòi hỏi trái phải đồng đều về mẫu mã, phẩm chất, số lượng, cả về qui trình sản xuất theo công nghệ sạch,...vai trò chủ đạo ở đây chính là nhà vườn, những người nông dân trực tiếp đứng ra làm nên sản phẩm. Yêu cầu bức thiết hiện nay là cần phải có cung cách làm ăn chân thật, có trình độ khoa học kỹ thuật, có tầm nhìn đó là phẩm chất đạo đức của con người làm ăn trong thương trường hiện nay. Chính điều này làm nên uy tín, tạo nên thương hiệu và cũng tạo niềm tin cho khách hàng.
Muốn thế, người nông dân phải là nhà khoa học trên ruộng đồng, am hiểu khoa học kỹ thuật, thế nên trong mục tiêu ứng dụng và phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao cần sự trợ giúp của các nhà khoa học, các nhà quản lý để làm ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường và đạt hiệu quả cao hơn để được thị trường chấp nhận.
Để chấp cánh cho thương hiệu nông sản vươn xa từ thị trường trong nước ra thị trường nước ngoài không thể thiếu sự chỉ đạo của nhà nước, của các nhà doanh nghiệp. Sự đồng hành của nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp là thể thống nhất, không thể tách rời nhau (sản xuất nông nghiệp trọn gói) trong cơ chế thị trường cạnh tranh quyết liệt. Nói một cách khái quát sự sống còn của một thương hiệu gắn liền với niềm tin của khách hàng, cùng với việc quảng bá hình ảnh sản phẩm không thể thiếu mà luôn được giới thiệu liên tục, cũng như việc làm phong phú và đa dạng hoá sản phẩm từ một thương hiệu là vấn đề nên quan tâm.