KHOA KHOA HỌC CÂY TRỒNG

 

Đồng Thuận - Tận Tâm - Chuẩn mực - Sáng tạo

 

Chuyển giao kỹ thuật

Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x
Hội nghị khoa học Khoa NN&SHUD
GS.TS Trần Văn Hâu chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng trái quýt đường
Lớp dạy nghề kỹ thuật trồng cây có múi
Chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm
Tập huấn kỹ thuật

GS TS Nguyễn Bảo Vệ

Trường Đại Học Cần Thơ

Ở cây lúa, hạt là cơ quan dự trữ (như là kho) dùng để tích lũy tinh bột, còn bộ lá đòng là cơ quan sản xuất (như là nhà máy) tạo ra đường bột để đem tích trữ vào trong hạt. Do vậy, trong canh tác lúa phải làm sao cho kho dự trữ nầy càng lớn càng tốt, nghĩa là bông lúa phải có nhiều hạt và hạt phải to và không bị nấm bệnh thì mới tích lũy được nhiều tinh bột, năng suất lúa mới cao; Còn nhà máy sản xuất tinh bột cũng phải đủ lớn và hoạt động hữu hiệu, nghĩa là bộ lá đòng phải to, dầy, mọc thẳng đứng, còn nguyên vẹn, có màu xanh bền đến khi thu hoạch thì mới tạo ra được nhiều tinh bột cho hạt lúa.

 

Muốn cho cây lúa đạt năng suất cao phải chú ý tạo điều kiện để hạt lúa và bộ lá đòng phát triển cân đối. Nếu chỉ chú ý đến việc tạo ra bông lúa nhiều hạt, hạt to trong khi bộ lá đòng không tốt sẽ không cung cấp đủ tinh bột cho hạt, lúc đó hạt lúa lép, lửng nhiều hơn. Ngược lại, nếu chỉ chú ý tạo ra bộ lá đòng to, khỏe nhưng bông lúa có ít hạt, hạt nhỏ thì không tích lũy được hết tinh bột cũng cho năng suất thấp. Như vậy, trong giai đoạn lúa làm đòng, cần phải quản lý tốt hai cơ quan nầy như sau:

 

  1. Tạo bông lúa nhiều hạt, hạt to, không bị nấm bệnh

            Để có bông lúa nhiều hạt và hạt to cần phải bón phân đón đòng đúng lúc và đủ lượng. Thông thường nông dân dựa vào thời gian tính từ khi sạ (khoảng 40-45 ngày) để bón đón đòng. Bón đón đòng dựa vào thời gian không chính xác, vì thời điềm tượng đòng thay đổi theo chu kỳ sinh trưởng của giống, thời tiết và kỹ thuật canh tác. Bón sớm, cây lúa tiếp tục nhảy chồi, chồi sẽ cạnh tranh dinh dưỡng ảnh hưởng đến bông; Còn bón trễ khi hạt trên bông đã hình thành rồi thì dù bón phân cũng không thể nào tăng thêm số hạt được nữa. Thường thì sau khi sạ được 36-38 ngày phải thăm ruộng thường xuyên, nhổ cây lúa xé ra quan sát đỉnh sinh trưởng, khi thấy có “tim đèn hay còn gọi là bông gòn” nhô lên chừng 1 mm là bón đón đòng được.

Hai loại dưỡng chất cần phải quan tâm bón đầy đủ trong giai đoạn nầy là đạm và kali, nhưng không được bón dư thừa đạm. Liều lượng đạm bón dựa bảng so màu lá. Nếu không có bảng so màu lá thì quan sát màu xanh của lá mà quyết định: (1) Khi lá có màu xanh đậm, không cần bón thêm phân đạm; (2) Khi lá có màu xanh vàng, có thể bón khoảng 2,5 kg urê /công 1.000 m2; (3) Khi lá có màu vàng xanh, có thể bón 5 kg urê/công 1.000 m2. Đối với kali thì quan sát chóp lá và bìa lá của những lá già để bón: (1) Nếu chóp lá và bìa lá không bị cháy khô thì bón từ 3-5 kg phân muối ớt (KCl)/ công 1.000 m2; (2) Nếu chóp lá và bìa lá bị cháy khô thí bón 6-8 kg phân muối ớt (KCl)/ công 1.000 m2.

Ngoài ra, để cho hạt tích trữ tinh bột được hữu hiệu thì không để cho nấm bệnh tấn công hạt. Có rất nhiều loại nấm bệnh (trên 10 giống, loài) gây ra lem lép hạt, những bệnh nầy sẽ phát triển mạnh khi có ẩm độ cao. Do vậy, khi thấy có nhiều sương mù hay mưa đêm cần phải phun thuốc phòng ngừa vào giai đoạn trước trổ và sau trổ. Ngoài ra giai đoạn nầy không được để lúa bị khô hạn hay nhiễm mặn.

 

  1. Tạo bộ lá đòng tốt và hoạt động hữu hiệu

            Lúc cây lúa tượng đòng thì số lá còn lại chưa nở chỉ khoảng 4-5 lá, những lá nầy lần lượt nở trong giai đoạn làm đòng gọi là “bộ lá đòng”. Bộ lá đòng có vai trò quyết định trong việc tạo ra đường bột cho hạt lúa làm ra hạt gạo, do đó cần phải quản lý tốt bộ lá đòng nầy ở giai đoạn làm đòng như sau: (1) Bón phân đón đòng đúng lượng như trình bày ở trên để có lá đòng to, dầy; (2) Phòng trị kịp thời côn trùng phá hại bộ lá đòng (như sâu cuốn lá, nhện gié, …) để lá được nguyên vẹn; (3) Phun phân CaCl2 với nồng độ 20 g/bình 10 lít, hoặc hòa tan đá vôi nung (CaO) vào trong nước, để yên lấy nước trong đem phun để lá đòng được cứng chắc, đứng thẳng nhận được nhiều ánh nắng mặt trời, giúp cho hoạt động tạo đường bột của lá được hữu hiệu; (4) Không để cho bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá, sọc trong do vi khuẩn hại lá bằng cách thăm ruộng thường xuyên, phòng trị kịp thời khi bệnh mới xuất hiện để bảo vệ màu xanh của lá. Nên chọn những loại thuốc có khả năng duy trì màu xanh của bộ lá đòng đến khi lúa chín.

            Ngoài ra, sau khi lúa trổ đều, có thể phun KNO3 với nồng độ 100 g/bình 10 lít để giúp sự chuyển vận đường bột tạo ra từ lá đến hạt được tốt hơn.

Category: Hướng dẫn kỹ thuật

 

Tên đơn vị
Địa chỉ: Khu II, đường 3/2, p. Xuân Khánh, q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại:
Email