Nông dân có thể trồng rau trên đất liếp ở mô hình luân canh tôm - lúa để tăng thu nhập và có thêm rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày. Để thực hiện mô hình hiệu quả, TS.Trần Thị Ba (ĐH Cần Thơ) lưu ý với bà con các nội dung sau.
Nên sử dụng giống rau mới (hầu hết là F1) nhập nội có năng suất cao, chống chịu mưa gió, mau cho trái, tỷ lệ trái thương phẩm cao đã được chọn lọc từ những thí nghiệm ở Trường ĐH Cần Thơ và ruộng sản xuất của nông dân. Sử dụng màng phủ nông nghiệp (chọn loại mặt trên màu xám bạc, mặt dưới màu đen), khổ rộng 1,2 - 1,6 m nhằm hạn chế mất phân bón, bốc hơi và rửa trôi dưỡng chất trong mùa mưa, giữ được cấu trúc đất được tơi xốp, thoáng khí; đồng thời hạn chế được một số sâu bệnh và cỏ dại.
Cây con của các loài rau ăn trái như dưa hấu, dưa leo, khổ qua, bí đỏ và ớt được gieo trồng bầu (bọc nylon) giúp giảm tỷ lệ hao hụt cây con khi đem ra trồng, bộ rễ phát triển tốt, đặc biệt với các giống lai F1 (cao sản). Bón lót nhiều phân hữu cơ (phân chuồng đã hoai mục) để cải thiện đất, canh tác tốt trong mùa mưa. Cần bón phân đúng lượng, tiết kiệm. Chú ý lên liếp cao dạng hình mái vòm, mặt liếp đủ rộng có đánh rãnh thoát nước kết hợp với màng phủ nông nghiệp tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển tốt nhất trong điều kiện mưa dầm. Riêng đối với nhóm dưa, bầu bí (dưa hấu, bí đỏ, khổ qua) có bộ rễ phát triển rất rộng nên mặt liếp thiết kế phù hợp với độ rộng 1 - 1,2 m, có độ nghiêng để thoát nước tốt. Sử dụng lưới nylon màu trắng che trên liếp với độ cao 50 cm tính từ mặt liếp trồng xà lách. Che lưới tránh được mưa làm giập, rách lá cải làm bệnh thối nhũn, đạt 90% cải thương phẩm khi thu hoạch. Lưới che còn hạn chế sự tấn công của sâu hại.
Dùng que ghim trên màng phủ để cố định cây dưa hấu, giúp cây con khi bỏ ngọn bò không bị gió xoay, đảm bảo sinh trưởng tốt; trải lưới nylon cho dưa bò giúp dây không bị lật khi gió thổi mạnh. Kỹ thuật này giúp người dân yên tâm khi bố trí cây trồng theo kỹ thuật mới dù hướng của dây dưa bò ngược chiều gió (điều này trước đây người dân chưa dám thực hiện). Đối với dưa leo và khổ qua thì làm giàn thật vững, chắc, cao 2 m, trên nóc rộng 1,5 m và giăng lưới giúp cây phát triển tốt không ảnh hưởng sâu bệnh trong điều kiện mùa mưa; dễ chăm sóc, cho tỷ lệ trái thương phẩm cao, kéo dài thời gian thu hái. Sử dụng bọc nylon để bao trái khổ qua nhằm hạn chế đáng kể ruồi đục trái, từ đó giảm sử dụng thuốc hóa học. Bao trái khổ qua vừa làm tăng năng suất, vừa có sản phẩm an toàn cho người. Áp dụng biện pháp tỉa nhánh, tỉa trái cho cây dưa hấu, chỉ chừa một dây chính và hai dây phụ trên một dây dưa, sau đó tuyển chỉ chừa một trái duy nhất, tạo sự thông thoáng cho liếp dưa, hạn chế sâu bệnh và giúp phát triển trái nhanh. Kê trái dưa hấu để tránh thối do mưa. Trên cây ớt thì áp dụng tỉa bỏ tất cả nhánh nằm dưới (dưới vị trí phân cành) giúp cây tăng tỷ lệ trái thương phẩm nhiều hơn so với phương pháp tuyền thống.
Việc áp dụng các biện pháp trên mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trước đây trong mô hình luân canh tôm - lúa vùng ven biển. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cần khắc phục là nguồn nước ngọt tưới cây do hiện tại còn dựa vào nước mưa và nước giếng.
Nguồn: Báo Khoa học phổ thông