KHOA KHOA HỌC CÂY TRỒNG

 

Đồng Thuận - Tận Tâm - Chuẩn mực - Sáng tạo

 

Chuyển giao kỹ thuật

Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x
Hội nghị khoa học Khoa NN&SHUD
GS.TS Trần Văn Hâu chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng trái quýt đường
Lớp dạy nghề kỹ thuật trồng cây có múi
Chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm
Tập huấn kỹ thuật

 GS TS Nguyễn Bảo Vệ

Bộ môn Kho học Cây trồng, khoa Nông nghiệp, Trường Đại Học Cần Thơ

            Để có năng suất cao, cây lúa cần được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất trung lượng như Can-xi (Ca), ma-giê (Mg), lưu huỳnh (S) và các dưỡng chất vi lượng như sắt (Fe), đồng (Cu), kẽm (Zn), măn-gan (Mn), bo (B), mô-lýp-đen (Mo) và clo (Cl).  Tuy nhiên, khi đất đã có thừa những chất trung và vi lượng nào rồi thì không nên bón thêm nữa, vì bón thêm chẳng những mất tiền mà còn gây ra tai hại là ngăn cản cây lúa hấp thụ dưỡng khác và đôi khi gây ngộ độc cho lúa, ảnh hưởng đến năng suất. Thông thường, phải lấy mẫu đất và mẫu cây đem phân tích để có quyết định trong việc bón phân. Trong điều kiện đất đai trồng lúa ở tỉnh Kiên Giang và kết quả nghiên cứu cho thấy khi cấp dưỡng chất trung và vi lượng cho lúa cần phải lưu ý những điểm sau đây: 

Không cần bón dưỡng chất lưu huỳnh cho lúa, vì đất ở đây có chứa quá nhiều lưu huỳnh, ngay cả đất phù sa cũng có trên 0,15% sulphate hòa tan, còn đất phèn có thể chứa đến trên 0,4%. Chính lưu huỳnh đã tạo phèn gây chua làm lúa bị ngộ độc, nên trong sản xuất lúa còn phải rửa bỏ lưu huỳnh ra khỏi đất. Do đó, ngay cả việc bón phân đạm (N) có chứa lưu huỳnh như phân SA (sulphate ammonium) cũng được khuyến cáo là không nên sử dụng. Chính vì vậy, phải cẩn thận khi sử dụng phân có chứa chất lưu huỳnh bón cho lúa ở những vùng đất phèn của tỉnh Kiên Giang.

Chất xi-lích (Si) không được coi là “dưỡng chất chủ yếu” của cây lúa, mặc dù cây lúa hấp thụ xi-lích nhiều gấp 4 lần chất N. Xi-lích chỉ là “dưỡng chất có lợi”, nghĩa là nó giúp cho các bộ phận của cây lúa cứng cáp hơn, ít đổ ngã, kháng sâu bệnh và chống chịu được hạn hán. Ở xứ nóng ẩm như ta, sự phân hủy xi-lích trong đất diễn ra mạnh mẽ, hậu quả là tạo ra đất xám bạc màu nghèo xi-lích; loại đất nầy được tìm thấy ở huyện Giang Thành; sự rửa trôi xi-lích có thể là nguyên nhân làm cho sản xuất lúa kém hiệu quả ở vùng nầy; bón xi-lích làm cho cây lúa giảm thiểu sự nhiễm bệnh do nấm, vi khuẩn, tuyến trùng và cải thiện năng suất. Đối với vùng đất giàu xi-lích hơn như đất phù sa (trên 64% SiO2), cây lúa cũng có thể không hấp thu đủ xi-lích, nguyên nhân là do lúa được bón quá nhiều phân đạm. Lưu ý là có khoảng 80% xi-lích chứa trong rơm rạ, nên khi làm đất có cày vùi rơm rạ hay rải rơm rạ rồi đốt ngay trên đồng là đã trả lại phần lớn chất xi-lích cho đất.

Cần bón can-xi cho lúa vì hầu hết đất lúa của tỉnh Kiên Giang đều chua (pH dưới 5,5). Đất chua làm chất Fe hòa tan nhiều, Ca trao đổi thấp ảnh hưởng đến sự hấp thụ Ca của lúa; Ngoài ra, do bón quá nhiều phân đạm, lân và kali trong canh tác cũng làm giảm sự hữu dụng và hấp thụ can-xi của lúa, làm cho lúa thiếu can-xi. Lúa thiếu can-xi sẽ làm suy giảm chức năng của rễ, lúa dễ bị ngộ độc sắt hơn; Đủ can-xi sẽ giúp lúa kháng bệnh tốt. Khi thấy lá lúa trên đọt bị rách, mất màu, hoại tử và chóp lá cuốn tròn lại đó là triệu chứng thiếu can-xi. Bón phân vôi, dạng vôi nung (CaO) với liều lượng 300-500 kg/ha hoặc phun qua lá CaCl2 nồng độ 2-4 g/l để khắc phục triệu chứng thiếu can-xi. Phân vôi dạng đá vôi nghiền (CaCO3) có tác dụng chậm, phải bón sớm lúc làm đất. Để bón phân vôi có hiệu quả, phải kiểm tra dạng phân vôi và hàm lượng CaO ghi trên bao bì trước khi mua.

Chưa cần bón ma-giê cho lúa vì hầu hết đất của tỉnh Kiên Giang có hàm lượng ma-giê trao đổi đều trên 3 meq/100 g đất, nhìn chung đủ cung cấp cho nhu cầu của lúa. Tuy nhiên, trên đất phèn nhiều, khi thấy lá lúa già có những sọc vàng ở phần thịt lá, trong khi gân lá vẫn còn xanh tạo thành những sọc xanh, sọc vàng chạy song song nhau trên phiến lá, đó là triệu chứng thiếu ma-giê. Bón phân vôi Đô lô mít (MgO, CaO) từ 300-500 kg/ha hoặc phun MgCl2 nồng độ 2-4 g/l để khắc phục triệu chứng thiếu ma-giê. Nếu sử dụng phân vôi dạng đá Đô lô mít nghiền [MgCa(CaCO3)2] thì phải bón sớm, lúc làm đất.

Các dưỡng chất vi lượng như sắt, đồng, kẽm, măn-gan, bo có nhiều và hữu dụng cho lúa trong điều kiện đất chua (pH dưới 5,5), ngập nước (đất trong tình trạng khử) của tỉnh Kiên Giang. Thường thì những chất nầy không thiếu mà thậm chí quá dư thừa gây ngộ độc cho lúa như sắt, măn-gan. Tuy nhiên, trong canh tác lúa, bón phân trung và đa lượng không cân đối cũng có thể làm cho lúa thiếu các dưỡng chất vi lượng nầy:

-   Bón quá dư thừa vôi làm pH đất tăng cao dẫn đến việc làm giảm hữu dụng dưỡng chất vi lượng trong đất;

-   Bón quá nhiều chất hữu cơ sẽ làm cho chất mùn trong hữu cơ kềm giữ các dưỡng chất kim loại trên, nhất là dưỡng chất đồng và kẽm.

-   Bón nhiều dưỡng chất can-xi, ma-giê làm hạn chế sự hấp thụ kẽm, măn-gan của lúa.

-   Bón nhiều phân đạm, lân làm giảm sự di động của kẽm, dẫn đến lúa bị thiếu kẽm. Cây lúa thiếu kẽm sẽ bị lùn, lá non mới trổ có kích thước nhỏ và mất màu, lá già thường có những đốm nâu và rũ xuống. Có thể khắc phục sự thiếu kẽm trên lúa bằng cách: (a) Ngâm hạt giống trong dung dịch 2-4% ZnO (20-40 g ZnO/lít); (b) Bón 5-10 kg Zn/ha (dạng ZnSO4, ZnO hay ZnCl) lúc làm đất; hoặc (c) Phun qua lá ZnSO4 nồng độ 2,5-5 g/lít.

Tên đơn vị
Địa chỉ: Khu II, đường 3/2, p. Xuân Khánh, q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại:
Email