GS TS Nguyễn Bảo Vệ
Bộ môn Khoa học Cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ
- Sản xuất lúa thu đông cần quan tâm những vấn đề gì?
Vụ lúa Thu Đông mưa nhiều, khó rút nước và do tranh thủ mùa vụ nên việc phòng trị ngộ độc hữu cơ cho lúa gặp nhiều khó khăn như sau:
- Khó “ngăn chận” độc chất hữu cơ sản sinh ra trong đất. Để ngăn cản việc sản sinh độc chất hữu cơ thì phải đốt rơm rạ trước khi làm đất hoặc cày vùi rơm rạ khi đất khô ráo. Nhưng trong vụ Thu Đông mưa nhiều không đốt rơm rạ được, hầu hết các ruộng đều được trục vùi rơm rạ trong điều kiện đất ngập nước. Quá trình phân hủy rơm rạ trong điều kiện thiếu không khí như vậy sẽ không tránh khỏi độc chất hữu cơ được tạo ra trong đất.
- Khó “né tránh” cho cây lúa ít tiếp xúc với độc chất hữu cơ. Trong trường hợp không thể ngăn cản việc sản sinh độc chất cơ, thì việc phải làm tiếp theo là sau khi trục vùi rơm rạ phải để cho rơm rạ phân hủy ít nhất 3 đến tuần mới bắt đầu làm đất xuống giống. Tuy nhiên, do sợ lũ, hạn, mặn cuối vụ nên ở vụ Thu Đông thường phải tranh thủ xuống giống ngay sau khi làm đất. Việc làm nầy chắc chắn cây lúa phải đối mặt với độc chất hữu cơ mà không thể nào né tránh được.
- Khó “hóa giải” độc chất hữu cơ trong đất. Trong trường hợp cây lúa phải đối mặt với độc chất hữu cơ thì phải hóa giải nhanh chóng các độc chất nầy bằng cách chủ động rút nước 2 lần: khi cây lúa được 15 ngày và 30 ngày sau khi sạ để loại bỏ độc chất. Để rút nước được nhanh nên làm nhiều rãnh thoát nước trong ruộng lúa ngay sau khi làm đất. Khi rút nước, cần phải để cho đất nứt mặt cho độc chất hữu cơ bay ra khỏi đất (độc chất hữu cơ hầu hết ở thể khí như khí H2S, C2H4, CH4, …). Tuy nhiên, việc làm nầy khó thực hiện do trong vụ Thu Đông mưa nhiều và khó rút nước cho ráo mặt đất.
Như vậy rất khó phòng trị ngộ độc hữu bằng những biện pháp “ngăn chận”, “né tránh” và “hóa giải” khi canh tác lúa vụ Thu Đông. Một khi cây lúa đã bị ngộ độc hữu cơ thì kéo theo dễ bị nhiễm bệnh và rất khó trị do khả năng chống bệnh suy giảm nghiêm trọng. Trong trường hợp nầy cần phải hổ trợ cho cây lúa tự hóa giải và chống chịu tốt với độc chất hữu cơ và gia tăng khả năng chống bệnh như sau:
- Bón vôi lúc làm đất: Bón đá vôi nung với liều lượng khoảng 20-30 kg/công, rải đều trên đất ruộng rồi trục cho vôi trộn đều trong đất. Vôi cung cấp chất can-xi cho lúa, rễ lúa có đủ can-xi sẽ chống chịu tốt với ngộ độc hữu cơ và gia tăng khả năng chống lại sự xâm nhập của bệnh.
- Bón silic: Bón 100 kg/ha super silic vào lúc làm đất. Chất silic giúp cây lúa nở rộng đường vận chuyển oxy từ lá xuống rễ, giúp rễ nhận được nhiều oxy hơn để oxyt hoá các độc chất hữu cơ trong đất. Ngoài ra chất silic còn giúp cho lá lúa chống lại sự phát triển của bệnh.
- Bón phân lân liều cao: Bón gấp đôi liều lượng bình thường trước khi xuống giống cũng giúp cho rễ lúa phát triển mạnh, chịu đựng tốt ngộ độc hữu cơ.
- Xử lý hột giống: Xử lý với những “chất kích hoạt rễ” lúc ủ giống cũng giúp cho rễ lúa chống chịu tốt hơn trong môi trường đất có độc chất hữu cơ.
- Không để lá bị bệnh: Phòng trị kịp thời bệnh lá, nhất là bệnh đạo ôn. Lá lúa bị bệnh làm giảm khả năng hóa giải độc hữu cơ của rễ lúa.
- Giai đoạn sinh trưởng nào cây lúa quyết định đến năng suất lúa?
Có ba yếu tố cấu thành năng suất của một giống lúa : Số chồi hữu hiệu (bông/m2), số hạt/bông và tỷ lệ hạt chắc. Ba yếu tố nầy được quyết định ở 3 giai đoạn sinh trưởng của lúa như sau:
- Giai đoạn quyết định chồi hữu hiệu: Giai đoạn đầu của cây lúa quyết định yếu tố nầy, nhất là giai đoạn bón phân thúc chồi (18-22 ngày sau khi sạ). Do đó, liều lượng phân bón cho giai đoạn nầy được quyết định bởi số cây/m2. Nếu ruộng có khoảng 500-600 cây/m2 thì coi như đã đủ chồi hữu hiệu, không cần bón thúc nhiều phân.
- Giai đoạn quyết định số hạt/bông: Giai đoạn lúa tượng khối sơ khởi quyết định số hạt/bông. Do đó, bón phân đón đòng (khi cây lúa được khoảng 38-42 ngày cho giống lúa 95 ngày) phải tùy thuộc vào tình trạng sinh trưởng của cây. Bảng so màu lá giúp chẩn đoán tình trạng dinh dưỡng đạm của lúa.
- Giai đoạn quyết định tỷ lệ hạt chắc: Giai đoạn sau khi trổ quyết định tỷ lệ hạt chắc. Cần phải giữ xanh 3 lá đồng không để bị sâu bệnh và không đổ hạt lúa bị bệnh “lem lép”.
Không giống như lúa mùa, tất cả các giai đoạn sinh trưởng cây lúa cao sản, ngắn ngày đều có ảnh hưởng đến năng suất (kể cả giai đoạn làm đất). Do vậy, phải thăm đồng thường xuyên, phát hiện và phòng trị kịp thời những yếu tố bất lợi thì lúa mới có năng suất cao.